Điểm danh 10 đặc sản nhất định phải thử ở Mù Cang Chải

Tây Bắc không chỉ là nơi hấp dẫn du khách bốn phương bởi cảnh quan hùng vĩ, mà còn níu chân bạn bởi những món ngon lạ miệng, là sản vật “trời ban” của núi rừng. Có những món có thể bạn đã từng nghe đâu đó như cá hồi, cá tầm, bánh giày đến những món khá lạ tai như xôi trứng kiến, cá nướng pa pỉnh tộp hay mèn mén. Cùng Mucangchaiexpress khám phá những món ăn độc đáo dưới đây bạn nhé.

Xôi trứng kiến – món ngon lạ độc đáo của người Tày

Với truyền thống ngàn đời canh tác lúa nước thì xôi là món ăn được hầu hết các bà, các mẹ biết cách nấu ở nhiều vùng miền. Nhưng có điều thú vị là mỗi nơi, người dân lại có sự kết hợp rất sáng tạo giữa các nguyên liệu. Nếu người Mường, người Thái có xôi ngũ sắc ấm tượng, ở Cao Bằng có món xôi trám hay ở Kon Tum có đặc sản xôi măng thì bà con dân tộc Tày, người Dao ở Yên Bái lại có sự kết hợp khá lạ, đó là xôi và trứng kiến đen để trở thành món ăn độc đáo rất hấp dẫn.

Nguyên liệu chính, “linh hồn” của món xôi hấp dẫn này chính là trứng kiến và gạo nếp nương Mù Cang Chải. Tuy nhiên để chuẩn bị được nguyên liệu thì khá kỳ công và không phải loại trứng kiến nào cũng ăn được.

 

Theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc ở đây để lại, cứ vào độ tháng ba âm lịch là thời điểm bà con vào rừng thu hoạch trứng kiến đen về đồ xôi.

Thưởng thức món xôi trứng kiến Mù Cang Chải đúng vị đó chính là dùng tay nhúm lấy một miếng và cho vào miệng sẽ cảm nhận được những tiếng lép bép của trứng kiến, vị bùi bùi, béo béo, ngậy ngậy sẽ không khỏi làm du khách xuýt xoa.Người vùng cao Yên Bái thường ăn xôi nếp trứng kiến với cá suối sấy khô nướng than chấm muối ớt trộn chanh…

Mèn mén

Ngô là loại cây trồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trọng đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế của đồng bào H’Mông ở Mù Cang Chải. Người H’Mông không chỉ giỏi về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô mà họ còn rất giỏi trong việc chế biến ngô thành nhiều món ăn, thức uống độc đáo, hấp dẫn. Trong đó những sản phẩm đặc trưng nhất phải kể đến Rượu Ngô và Mèn Mén đã trở thành truyền thống lâu đời của bà con người Mông nơi đây, nó không chỉ đơn thuần là ẩm thực mà nó còn là nét văn hóa được truyền lại từ đời này sang đời khác.

Mèn Mén được làm từ ngô xay nhuyễn, được đồ 2 lần như xôi rồi lấy tay vò cho tơi từng hạt cùng với bí quyết được truyền lại qua nhiều thế hệ để tạo nên một món ăn đậm chất H’Mông.

Trong các chợ phiên, mèn mén có thể ăn cùng thắng cố. Còn một món nữa nếu ăn mèn mén không có nó thì mất cả ngon đó là ớt nướng, do điều kiện thời tiết ở vùng cao rất giá lạnh nên người Mông ăn ớt rất giỏi để chống rét

Ngày nay, do điều kiện cuộc sống đã có phần sung túc hơn, người H’Mông đã chuyển từ mèn mén sang cơm trong những bữa ăn chính. Tuy nhiên vào mỗi dịp lễ tết, mèn mén vẫn được nấu và trân trọng đặt lên bàn thờ gia tiên, như một cách người Mông nhớ về cội rễ khó khăn của mình. Ngoài ra, với bất kỳ vị khách nào khi tới miền đất mảnh đất này mà chưa được thưởng thức mèn mén cũng là chưa khám phá trọn vẹn cái lạ lẫm hấp dẫn của nơi đây.

Cá hồi và cá tầm

Từ chân đèo Khau Phạ phía bên Tú Lệ đi lên khoảng 7km sẽ tới khu vực nhà hàng Khau Phạ, đây cũng là một trong những trang trại nuôi Cá Hồi lớn của Miền Bắc, số lượng cá nuôi ở đây lên tới 10.000 con, cá giống hoàn toàn được nhập và nuôi theo công nghệ từ Châu Âu. Nhiều món ngon từ Cá Hồi (hoặc Cá Tầm) được chế biến tại đây để phục vụ khách du lịch, nếu đi đoàn đông các bạn có thể vào làm nồi lẩu cho bữa trưa của mình.

Cua suối rang muối

Khác với các loại cua sống ở biển, ở ruộng, con cua suối thường sống trong các hốc đá trên suối ở vùng cao. Thịt cua suối thơm, chắc và có thể chế biến được nhiều món ngon trong đó có món Cua suối rang muối.

Cua sau khi bắt về bóc mai, rửa sạch để cho ráo nước. Cho dầu vào chảo đun sôi, bỏ tỏi vào xào thơm sau đó cho cua vào đảo cho đều, rắc muối lên rang cho đến khi cua chín vàng.

Thịt lợn kẹp cây rừng nướng

Từ những chú lợn đen chăn thả tự do, thịt chắc, hương thơm đặc trưng quyến rũ. Món thịt lợn kẹp cây rừng nướng, là món ăn ngon cuốn hút mọi thực khách phương xa.
Nguyên liệu là những miếng thịt cả bì và mỡ, tẩm ướp với gia vị rừng đặc trưng của vùng thảo cỏ Mù Cang Chải như hạt mắc khén, hành tươi… cho vào lá rong tươi bọc vài lớp, kép tre nướng trên bếp than hoa.
Khi thưởng thức, món ăn ngon lạ kỳ với mùi thơm quyến rũ của những gia vị quyện với vị ngọt của thịt khiến những thực khách phương xa khó thể cưỡng lại.

Cá nướng “Pa Pỉnh Tộp” – tinh hoa ẩm thực của người Thái Tây Bắc

Pa Pỉnh Tộp là tên gọi xuất phát từ tiếng Thái, có nghĩa là cá nướng gập, là món ăn truyền thống đặc trưng của người Thái. Đồng bào dân tộc nơi đây có câu “Gà tơ tần đem đến không bằng pa pỉnh tộp đem cho” đã hoàn toàn nói lên được sự trân trọng của người Thái dành cho món ăn được coi là sang trọng bậc nhất trong văn hóa của người Thái

Món cá nướng này sử dụng nguyên liệu là cá chép hay trôi, trắm và một số loại cá suối khác, được làm sạch ngay lúc còn tươi, tẩm ướp các gia vị truyền thống, sau đó gập cá lại, nướng trên than hồng

Ăn pa pỉnh tộp khiến người ta say. Kèm thêm chút xôi nếp chấm với chẩm chéo, thêm chút rượu ngô cay cay, tê tê, món ăn này khiến người ta “phải lòng” ngay từ miếng đầu tiên. Vì thế, món cá nướng đầy quyến rũ mời gọi tất cả các giác quan của thực khách và chiều lòng tất cả mọi người, kể cả những người khó tính nhất.

Nhộng ong rừng

Ngoài mật ong rừng là một trong những đặc sản không chỉ có tác dụng chữa bệnh mà còn làm đẹp thì nhộng ong rừng Mù Cang Chải là một đặc sản không thể thiếu để thưởng thức tại chốn mùa lúa chín này.

Nhộng ong rừng không phải mùa nào cũng có mà phải chờ vào những ngày tháng những con ong  rừng làm tổ và sinh sản là bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8, đó là thời điểm thuận lợi để những người dân Mù Cang Chải lấy được những con nhộng ngon. Vì rất hiếm nên những con nhộng này đã trở thành những đặc sản quý hiếm.

Món nhộng ong rừng Mù Cang Chải được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, có thể sử dụng đó chính là nhộng ong chiên giòn, nhộng ong tẩm bột rán nhưng riêng đối với cách chế biến của người dân Mù Cang Chải thì món nhộng ong xào mùng thơm ngon là một đặc sản đặc biệt.

Táo mèo và mận tam hoa

Táo mèo và mận là hai thứ trái cây đặc trưng và cũng là một trong những biểu tượng gắn liền với văn hóa các tộc người ở Tây Bắc, đặc biệt là người H’Mông. 

Mùa táo mèo kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10, cũng chính thời điểm mùa vàng ở Mù Cang Chải. Táo mèo nơi đây có hương vị rất đặc trưng, quả không quá to nhưng lại chắc và đậm đà hơn hẳn. Khi ăn táo mèo Mù Cang Chải sẽ thấy vị hơi chát, ngọt thơn và chua chứ không quá ngọt khát hoặc chát xít như các loại táo mèo khác. 

Mùa mận tam hoa thường chín rộ vào đầu tháng 5 âm lịch, trên những cao nguyên còn phảng phất đâu đây đám mây trắng xanh, điểm thêm một chút ánh nắng còn len lỏi vào từng khu nhà của núi rừng còn lấp ló những chùm mận chín, lác đác vài chùm mận xanh kề cạnh, hình ảnh quả to tròn, căng mịn ánh lên một màu đỏ tím khiến cho những ai đi qua không thể cưỡng lại được vị giác.

Mận tam hoa Mù Cang Chải quả to, màu đỏ, thịt bên trong hồng tươi, ngoài phủ một lớp phấn trắng mịn, sẽ làm cho du khách cảm nhận được sự tinh khiết, trong lành của thiên nhiên vùng du lịch sinh thái đầy hấp dẫn nơi đây.

Gà đen – món ngon bổ dưỡng của người H’mông

Tại huyện Mù Cang Chải, giống gà này vẫn được chăn thả tự nhiên. Do chăn thả trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên như vậy nên gà có da dày giòn, thịt săn nhưng không dai, ít mỡ, thơm và có vị ngọt đậm đà. Gà xương đen thường có 3 màu chính: hoa mơ, trắng và đen tuyền.

Gà xương đen là đặc sản quý, các món ăn làm từ giống gà này dù đơn giản hay phức tạp cũng có sự hấp dẫn lạ kỳ bởi phẩm chất thịt, hương vị tự nhiên đặc trưng không lẫn với bất kỳ giống gà nào khác. 

 

Các món làm từ gà xương đen như canh thịt, nướng, rang muối hay lẩu gà thật sự hấp dẫn, làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.

Bánh Giày

Bánh giày đã trở thành món ăn truyền thống và được coi là món bánh đặc sản của người dân tộc Mông. Từ thời xa xưa cho đến ngày hôm nay bánh giày là món không thể thiếu trong ngày tết, đặc biệt là trong lễ cưới, giỗ tổ tiên hay lễ đặt tên cho trẻ nhỏ…

Bánh giày được làm rất công phu, nguyên liệu chính là gạo nếp thơm được hấp thành xôi. Vật dụng chính là máng gỗ, mẹt, chày gỗ, lá chuối lá dong hoặc trứng gà.

Đến với Mù Cang Chải, mỗi du khách đều không thể bỏ qua đặc sản bánh giày chấm với mật ong quê xứ Mù. Đây là một cách thưởng thức mà bất cứ ai không thể nào quên.

MuCangChaiExpressTeam

Leave a Comment

Your email address will not be published. All fields are required.